Mang thai ngoài tử cung có nguy hiểm không? Các rủi ro?

Mang thai ngoài tử cung có nguy hiểm không là vấn đề được khá nhiều người quan tâm. Theo các bác sĩ Sản phụ khoa, tình trạng này rất nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng của người mẹ nếu như không được xử trí kịp thời.

Mang thai ngoài tử cung có nguy hiểm hay không?

Thai ngoài tử cung hay chửa ngoài dạ con xảy ra chủ yếu ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản. Thông thường khi có hiện tượng thụ tinh, trứng và tinh trùng sẽ “gặp gỡ” ở 1/3 ngoài của vòi trứng. Sau đó, phôi sẽ dần dần di chuyển xuống và làm tổ ở buồng tử cung. Những trường hợp làm tổ ở ngoài buồng tử cung được gọi là thai ngoài tử cung.

Tử cung được thiết kế để đảm bảo cho phôi thai dễ dàng làm tổ và nhận chất dinh dưỡng từ mẹ. Trong khi đó, những cơ quan khác không có cấu tạo phù để đảm nhiệm chức năng này. Theo số liệu thống kê, khoảng 0.45 – 1.05% thai phụ gặp phải tình trạng chửa ngoài dạ con. Những đối tượng có nguy cơ cao bao gồm người từng nạo phá thai, nhiễm Chlamydia trachomatis, đặt dụng cụ tử cung để tránh thai, nữ giới cao tuổi,…

thai ngoài tử cung có nguy hiểm không
Mang thai ngoài tử cung có nguy hiểm không là vấn đề được nhiều thai phụ quan tâm

Trong đó, 95 – 98% trường hợp phôi thai làm tổ ở vòi trứng, 0.7 – 1% trường hợp làm tổ ở buồng trứng và 0.5 – 1% làm tổ ở cổ tử cung. Dù làm tổ ở bất cứ vị trí nào, thai ngoài tử cung đều tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vậy mang thai ngoài tử cung có nguy hiểm hay không.

Theo các bác sĩ Sản phụ khoa, chửa ngoài dạ con là tình trạng vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe sinh sản và có thể đe dọa đến cả tính mạng. Tình trạng này cần phải xử trí kịp thời để bảo vệ tính mạng cho người mẹ và giảm thiểu tối đa những biến chứng nặng nề. Vì vậy, nữ giới có dấu hiệu chậm kinh nên chú ý biểu hiện bất thường để phát hiện sớm thai ngoài tử cung.

Các biến chứng của thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung là tình trạng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của người mẹ. Để hiểu hơn về mức độ nguy hiểm của tình trạng này, bạn đọc tìm hiểu những biến chứng của thai ngoài tử cung:

1. Chảy máu (xuất huyết) nặng

Sau khi làm tổ, phôi thai sẽ dần phát triển và tăng kích thước. Ngoại trừ buồng tử cung thì những cơ quan khác như vòi trứng, cổ tử cung, buồng trứng đều không có khả năng giãn nở khi xảy ra hiện tượng thụ thai. Khi phôi thai phát triển lớn và không kịp thời xử lý, những cơ quan này có thể bị vỡ dẫn đến tình trạng chảy máu trong.

Những trường hợp đã bị vỡ vòi trứng và chảy máu sẽ xuất hiện các triệu chứng điển hình như đau bụng dữ dội, cơn đau đến đột ngột và nặng dần theo thời gian dẫn đến choáng váng, sốc và ngất xỉu. Ngay khi xuất hiện các triệu chứng này, cần phải đến ngay bệnh viện để được xử trí.

2. Tổn thương vòi trứng

Khoảng 95 – 98% phôi thai làm tổ ở vòi trứng. Lý do là vì vòi trứng bị viêm nhiễm và dính khiến cho phôi không thể di chuyển xuống buồng tử cung. Mang thai ngoài tử cung sẽ khiến cho ống dẫn trứng bị tổn thương – đặc biệt là trong trường hợp đã vỡ.

thai ngoài tử cung nguy hiểm như thế nào
Thai ngoài tử cung có thể gây tổn thương ống dẫn trứng và làm giảm khả năng sinh sản về sau

Đối với những trường hợp phát hiện sớm, có thể bảo toàn ống dẫn trứng. Tuy nhiên, vòi trứng vẫn có thể bị thu hẹp do sẹo phẫu thuật. Ngoài ra, một số trường hợp ống dẫn trứng chưa vỡ nhưng bác sĩ buộc phải cắt bỏ đoạn vòi trứng có phôi thai để đảm bảo an toàn.

3. Giảm sức khỏe sinh sản

Biến chứng thường gặp nhất của thai ngoài tử cung là giảm sức khỏe sinh sản. Đa phần những người từng gặp phải tình trạng này đều bị tổn thương ống dẫn trứng. Do đó, tỷ lệ thụ thai tự nhiên sẽ giảm đi đáng kể.

Ngoài ra, tổn thương ở vòi trứng sẽ làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung lần 2. Tình trạng lặp lại sẽ gây tổn thương vòi trứng nghiêm trọng và khiến cho nữ giới khó có thể mang thai nếu không sử dụng các phương pháp hỗ trợ.

Với sự phát triển của khoa học, nữ giới đã cắt bỏ 2 vòi trứng vẫn có thể mang thai nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Tuy nhiên, phương pháp này chỉ thành công khi nữ giới có tử cung khỏe và thể trạng tốt. Hơn nữa, chi phí IVF rất đắt đỏ nên không phải cặp đôi nào cũng có điều kiện thực hiện.

4. Đe dọa đến tính mạng

Thai ngoài tử cung không được điều trị có thể đe dọa đến tính mạng – đặc biệt là những trường hợp chảy máu trong không kịp xử trí. Trường hợp đã vỡ ống dẫn trứng sẽ phải phẫu thuật mổ mở để đảm bảo an toàn. Lúc này, bác sĩ sẽ loại bỏ phôi thai và cắt ống dẫn trứng đã bị vỡ.

5. Các biến chứng sau phẫu thuật

Ngoài những biến chứng do thai ngoài tử cung gây ra, bản thân người mẹ cũng có thể phải đối mặt với các biến chứng sau phẫu thuật. Trong đó thường gặp nhất là tình trạng viêm nhiễm vết mổ, bung chỉ và chảy máu vết mổ kéo dài.

Các biến chứng hậu phẫu có thể đe dọa đến tính mạng. Chính vì vậy, ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, nên đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời.

6. Ảnh hưởng đến tâm lý

Bên cạnh những ảnh hưởng đối với thể chất, thai ngoài tử cung còn gây tổn thương về mặt tâm lý. Thống kê cho thấy, đa số nữ giới bị thai ngoài tử cung đều phải đối mặt với stress, rối loạn lo âu, rối loạn điều chỉnh, trầm cảm và một số vấn đề tâm lý khác.

thai ngoài tử cung nguy hiểm như thế nào
Sau khi điều trị thai ngoài tử cung, không ít nữ giới phải đối mặt với stress và trầm cảm

Ngoài ra, tình trạng này cũng khiến cho nhiều người trở nên lo lắng thái quá ở lần mang thai tiếp theo. Tâm lý không thoải mái, căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và thể trạng của mẹ bầu.

Vì những lý do này, cần phải quan tâm đến tinh thần bên cạnh việc bồi bổ sức khỏe thể chất sau phẫu thuật. Bạn đời và người nhà nên an ủi, động viên và nếu cần thiết nên cho bệnh nhân trị liệu tâm lý để phòng tránh những tình huống đáng tiếc.

Phòng ngừa các biến chứng của thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung là tình trạng vô cùng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến thể trạng và sức khỏe sinh sản. Khi gặp phải tình trạng này, nữ giới ít nhiều đều sẽ phải đối mặt với biến chứng. Tuy nhiên, một số biện pháp sau sẽ giúp phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm do thai ngoài tử cung gây ra.

Các biện pháp phòng ngừa biến chứng do thai ngoài tử cung:

  • Phát hiện sớm thai ngoài tử cung bằng cách chú ý những biểu hiện bất thường như ra máu âm đạo, đau nhức cơ thể, đau vùng chậu,… Tốt nhất nên siêu âm sớm để xác định vị trí phôi thai làm tổ và có biện pháp xử trí kịp thời nếu phôi thai làm tổ ngoài tử cung.
  • Trong trường hợp không có triệu chứng rõ ràng, nên dùng que thử thai nếu bị chậm kinh. Sau đó, tiến hành thăm khám để xác định liệu bản thân đang có thai hay không và phôi thai có làm tổ đúng vị trí hay không.
  • Gọi cấp cứu ngay khi có các triệu chứng nguy hiểm như đau bụng dữ dội, sốc, choáng váng, ngất xỉu,…
  • Sau khi điều trị, cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để đảm bảo vết thương nhanh lành và hạn chế tối đa nguy cơ viêm nhiễm.
  • Cần có chế độ chăm sóc hợp lý để phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần sau khi phẫu thuật thai ngoài tử cung.
  • Xây dựng lối sống khoa học, quan hệ tình dục lành mạnh, thường xuyên khám phụ khoa,… là những cách giúp nữ giới phòng ngừa thai ngoài tử cung. Đây đồng thời cũng là những biện pháp ngăn ngừa biến chứng hiệu quả nhất.

Mang thai ngoài tử cung là tình trạng có mức độ nguy hiểm và có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Vì vậy, nữ giới cần chú ý những biểu hiện bất thường để kịp thời thăm khám và điều trị. Xử trí sớm chính là cách hữu hiệu nhất giúp giảm thiểu các biến chứng do thai ngoài tử cung gây ra.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 02/03/2023 - Cập nhật lúc 2:00 pm , 02/03/2023
Nguồn tham khảo

Bình luận

*
*

Biên tập viên
Miss Trần Diệp Anh tốt nghiệp Học viện Ngoại Giao, đã từng làm biên tập tại các trang tin điện tử, website chuyên về sức khỏe và tìm hiểu chuyên sâu về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mẹ và bé. Miss Diệp Anh giữ nhiệm vụ là Biên tập viên, chuyên viết bài mảng nội dung sức khỏe mẹ và bé trên wikibacsi.com. Với các bài viết được biên tập từ nguồn uy tín, chuyên khoa nước ngoài và phỏng vấn trực tiếp các chuyên gia, bác sĩ trong lĩnh vực này.
Về tác giả

Bài viết nhiều người đọc