Thụ tinh trong ống nghiệm là gì? Quy trình và chi phí thực hiện

Thụ tinh trong ống nghiệm là một trong những phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất của công nghệ hỗ trợ sinh sản. Về cơ bản, phương pháp này bao gồm lấy trứng và tinh trùng, tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm để tạo thành phôi thai. Tuy nhiên, bạn nên tìm hiểu rõ về quy trình, các rủi ro liên quan cũng như mức chi phí cần chi trả để có sự chuẩn bị phù hợp nhất.

Thụ tinh trong ống nghiệm
Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp hỗ trợ sinh sản mang lại hiệu quả cao

Thụ tinh trong ống nghiệm là gì?

Thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilization – IVF) là một loại công nghệ hỗ trợ sinh sản. Trong biện pháp này, bác sĩ sẽ lấy trứng từ buồng trứng của phụ nữ và thụ tinh với tinh trùng của nam giới ở bên ngoài cơ thể. Trứng đã được thụ tinh sẽ tạo thành phôi thai. Sau đó phôi có thể được trữ đông lạnh hoặc chuyển vào tử cung của phụ nữ để phát triển một thai kỳ khỏe mạnh.

Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể, thụ tinh trong ống nghiệm có thể sử dụng:

  • Trứng của bạn và tinh trùng của bạn tình
  • Trứng của bạn và tinh trùng của người hiến tặng
  • Trứng của người hiến tặng và tinh trùng của bạn tình
  • Trứng và tinh trùng của người hiến tặng
  • Phôi được hiến tặng

Tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như tuổi tác và nguyên nhân gây vô sinh. Ngoài ra IVF đôi khi có thể tốn nhiều thời gian, tốn kém chi phí và xâm lấn vào cơ thể. Trong trường hợp có nhiều phôi thai được chuyển đến tử cung, IVF có thể dẫn đến việc mang đa thai và sinh nhiều con.

Thụ tinh trong ống nghiệm ngày càng phổ biến và đã giúp nhiều phụ nữ mang thai thành công. Mặc dù với chi phí đắt đỏ, tuy nhiên bạn có thể tìm hiểu về IVF nếu đã áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ sinh sản khác nhưng không thành công.

Tỷ lệ thành công khi thụ tinh trong ống nghiệm

Tỷ lệ thành công khi thụ tinh trong ống nghiệm là khác nhau và phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Theo các chuyên gia, tỷ lệ thành công ở phụ nữ dưới 35 tuổi là 41 – 43%. Tỷ lệ này giảm xuống còn 13 – 18% ở phụ nữ từ 40 tuổi.

Tỷ lệ thành công khi thụ tinh trong ống nghiệm
Tỷ lệ thành công của thủ thuật phụ thuộc vào độ tuổi của mẹ cũng như nguyên nhân gây vô sinh

Trong chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên, tỷ lệ thành công là 29.5%. Tỷ lệ này là khá cao và có thể so sánh với tỷ lệ mang thai tự nhiên thành công ở một cặp vợ chồng có khả năng sinh sản khỏe mạnh.

Cơ hội thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm qua nhiều chu kỳ lặp lại thường cao hơn so với lần đầu. Các nghiên cứu cho thấy, sau sáu chu kỳ, tỷ lệ thụ tinh trong ống nghiệm thành công là khoảng 65.3%. Sáu chu kỳ này thường diễn ra trong vòng hai năm.

Thụ tinh trong ống nghiệm là một phương pháp đắt đỏ và có tỷ lệ thành công khác nhau. Do đó, hãy chắc chắn rằng bạn đã trao đổi với bác sĩ về tỷ lệ thành công cá nhân trước khi tiến hành thủ thuật. Mặc dù không thể xác định chắc chắn khả năng thành công, tuy nhiên bác sĩ có thể đưa ra các lời khuyên phù hợp nhất để tăng khả năng mang thai.

Khi nào cần thụ tinh trong ống nghiệm?

Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp điều trị vô sinh hoặc các vấn đề di truyền. Nếu IVF được thực hiện để điều trị vô sinh, bạn có thể lựa chọn các phương pháp ít xâm lấn hơn, chẳng hạn như dụng thuốc hỗ trợ sinh sản để tăng sản xuất trứng và thụ tinh bên trong tử cung. Phương pháp này được gọi là thụ tinh nhân tạo hoặc kỹ thuật bơm tinh trùng vào tử cung.

Trong hầu hết các trường hợp, IVF được chỉ định để giúp một phụ nữ trên 40 tuổi mang thai. IVF cũng có thể được thực hiện trong một số tình trạng sức khỏe nhất định, chẳng hạn như:

  • Tổn thương ống dẫn trứng: Ống dẫn trứng có thể bị tắc nghẽn, tổn thương, khiến trứng khó thụ tinh hoặc khiến phôi thai khó di chuyển đến tử cung để làm hợp tử.
  • Rối loạn rụng trứng: Rụng trứng không thường xuyên hoặc không rụng trứng, số lượng trứng sẽ ít hơn và khả năng thụ tinh tự nhiên sẽ thấp.
  • U xơ tử cung: U xơ là khối u lành tính ở tử cung, thường phát triển ở phụ nữ trong độ tuổi 30 và 40. U xơ có thể gây cản trở quá trình làm tổ của trứng và khiến quá trình thụ tinh không thành công.
  • Lạc nội mạc tử cung: Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi các mô tương tự như niêm mạc tử cung làm tổ và phát triển ở bên ngoài từ cung. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng và gây khó khăn cho quá trình thụ thai tự nhiên.
  • Thắt hoặc cắt bỏ ống dẫn trứng: Thắt ống dẫn trứng có một phương pháp triệt sản nhằm tránh thai vĩnh viễn. Do đó, sau khi thắt hoặc cắt bỏ ống dẫn trứng, nếu bạn muốn mang thai, IVF sẽ được chỉ định.
  • Suy giảm chức năng hoặc chất lượng tinh trùng: Nồng độ tinh trùng ở nam giới dưới mức trung bình, tinh trùng di chuyển yếu hoặc bất thường về kích thước và hình dạng, có thể khiến tinh trùng khó tiếp cận với trứng. Nếu phát hiện được các bất thường về tinh trùng hoặc tinh dịch, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện IVF để tăng khả năng thụ thai thành công.
  • Vô sinh không rõ nguyên nhân: Vô sinh không rõ nguyên nhân là tình trạng không xác định được nguyên nhân vô sinh mặc dù đã tiến hành đánh giá các nguyên nhân phổ biến.
  • Rối loạn di truyền: Nếu bạn hoặc bạn tình các rối loạn di truyền, bác sĩ có thể đề nghị thụ tinh trong ống nghiệm để loại bỏ các rủi ro liên quan. Phôi sẽ được kiểm tra các vấn đề di truyền trước khi đưa vào tử cung.

Rủi ro khi thụ tinh trong ống nghiệm

Thụ tinh trong ống nghiệm là một phương pháp an toàn, tuy nhiên bất cứ quy trình y tế nào cũng có thể dẫn đến các rủi ro không mong muốn. Những rủi ro phổ biến của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm bao gồm:

thụ tinh trong ống nghiệm có phải con mình không
Trong một số trường hợp, IVF có thể dẫn đến việc sinh con nhẹ cân hoặc sinh non
  • Đa thai: IVF làm tăng khả năng đa thai nếu nhiều hơn một phôi thai được chuyển vào tử cung. Mang đa thai có nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh con nhẹ cân cao hơn so với đơn thai.
  • Sinh non và nhẹ cân: Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc thụ tinh trong ống nghiệm có thể làm tăng nhẹ nguy cơ sinh non cũng như sinh con nhẹ cân.
  • Hội chứng quá kích buồng trứng: Sử dụng các loại thuốc hỗ trợ sinh sản dạng tiêm, chẳng hạn như gonadotropin màng đệm người (HCG), để kích thích rụng trứng có thể dẫn đến hội chứng quá kích thích buồng trứng. Điều này khiến buồng trứng bị sưng và đau. Bạn cũng có thể bị đau bụng nhẹ kéo dài trong một tuần, chướng bụng, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.
  • Sẩy thai: Tỷ lệ sẩy thai đối với phụ nữ mang thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm khoảng 15 – 25%. Tỷ lệ sẩy thai cũng tăng lên theo độ tuổi của mẹ.
  • Thai ngoài tử cung: Có khoảng 2 – 5% phụ nữ sử dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm sẽ mang thai ngoài tử cung. Trứng đã làm tổ không thể tồn tại bên ngoài từ cung và cần được loại bỏ để đảm bảo sức khỏe của mẹ.
  • Dị tật bẩm sinh: Tuổi của mẹ là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến dị tật bẩm sinh, bất kể đứa trẻ được thụ tinh như thế nào.
  • Ung thư: Mặc dù các nghiên cứu không rõ ràng, tuy nhiên một số loại thuốc kích thích rụng trứng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú, nội mạc tử cung, cổ tử cung hoặc buồng trứng sau khi thụ tinh trong ống nghiệm.

Quy trình thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm

Thụ tinh trong ống nghiệm bao gồm một số bước, bao gồm kích thích buồng trứng, lấy trứng, lấy tinh trùng, thụ tinh và chuyển phôi. Một chu kỳ IVF có thể mất khoảng 2 – 3 tuần và đôi khi bạn có thể cần nhiều hơn một chu kỳ để mang thai thành công. Cụ thể, quy trình thụ tinh trong ống nghiệm như sau:

1. Kích thích buồng trứng

Bác sĩ có thể chỉ định một số loại hormone tổng hợp để kích thích buồng trứng sản xuất nhiều trứng hơn mỗi tháng (thông thường chỉ có một trứng được giải phóng mỗi tháng). Để thụ tinh trong ống nghiệm, bạn cần có nhiều trứng hơn bởi vì một số trứng sẽ không thụ tinh hoặc phát triển không bình thường sau khi thụ tinh.

thụ tinh trong ống nghiệm tỷ lệ thành công
Để bắt đầu quy trình IVF, phụ nữ sẽ được sử dụng thuốc để kích thích buồng trứng

Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:

  • Thuốc kích thích buồng trứng: Để kích thích buồng trứng, bạn có thể cần sử dụng thuốc tiêm có chứa hormone kích thích nang trứng (FSH), hormone tạo hoàng thể (LH) hoặc kết hợp cả hai. Những loại thuốc này sẽ kích thích nhiều trứng phát triển cùng một lúc.
  • Thuốc giúp các tế bào trứng trưởng thành: Khi các nang trứng đã sẵn sàng, thường là sau 8 – 14 ngày, bạn sẽ được chỉ định sử dụng gonadotropin màng đệm người (HCG) hoặc các loại thuốc khác để giúp trứng trưởng thành.
  • Thuốc ngăn rụng trứng sớm: Các loại thuốc này có thể ngăn cơ thể giải phóng trứng sớm.
  • Thuốc tăng cường niêm mạc tử cung: Vào ngày lấy trứng hoặc tại thời điểm chuyển phôi, bác sĩ có thể đề nghị bổ sung progesterone để giúp niêm mạc tử cung chuẩn bị cho sự làm tổ khi mang thai.

Bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể các loại thuốc và thời điểm cần sử dụng. Thông thường, bạn sẽ cần một đến hai tuần kích thích buồng trứng khi trứng sẵn sàng để lấy. Để xác định thời điểm này, bạn có thể cần:

  • Siêu âm đường âm đạo: Bác sĩ sẽ sử dụng hình ảnh siêu âm để kiểm tra hình ảnh buồng trứng để theo dõi sự phát triển của các nang trứng và túi buồng trứng.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này được sử dụng để đo phản ứng của cơ thể với các loại thuốc kích thích buồng trứng. Cụ thể nồng độ estrogen sẽ tăng lên khi các nang trứng phát triển và nồng độ progesterone sẽ duy trì ở mức thấp cho đến sau khi rụng trứng.

Đôi khi thủ thuật thụ tinh trong ống nghiệm sẽ được hủy bỏ khi lấy trứng. Một trong những lý do bao gồm:

  • Không đủ lượng trứng phát triển
  • Rụng trứng sớm
  • Quá nhiều nang trứng phát triển, có nguy có dẫn đến hội chứng quá kích thích buồng trứng
  • Có các vấn đề y tế khác

Nếu chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm bị hủy, bác sĩ có thể đề nghị thay đổi loại thuốc hoặc liều lượng để thúc đẩy phản ứng tốt hơn trong chu kỳ.

2. Lấy trứng

Sau khi rụng trứng, trứng sẽ được thu thập để tiến hành thụ tinh. Trong quá trình lấy trứng, bạn sẽ được tiêm thuốc an thần và giảm đau.

Hút siêu âm thông qua âm đạo là cách thu thập trứng phổ biến nhất. Trong phương pháp này, một đầu dò siêu âm sẽ được đưa vào âm đạo để xác định các nang. Sau đó một cây kim mỏng sẽ đưa vào thông qua hướng dẫn của siêu âm, đi vào các nang và lấy trứng. Nếu siêu âm âm đạo không thể tiếp cận buồng trứng, bác sĩ có thể thực hiện phương pháp lấy trứng thông qua siêu âm bụng.

Trứng sẽ được lấy ra khỏi các nang thông qua một cây kim được kết nối với một thiết bị hút. Nhiều trứng có thể được lấy ra trong khoảng 20 phút.

Sau khi lấy trứng, bạn có thể cảm thấy đầy hơi, chướng bụng, chuột rút hoặc áp lực nhẹ.

Trứng trưởng thành sẽ được đặt trong các chất lỏng dinh dưỡng (môi trường nuôi cấy) và ấp. Trứng khỏe mạnh và trưởng thành sẽ được trộn với tinh trùng để tạo thành phôi.

3. Thu thập tinh trùng

Một mẫu tinh dịch sẽ được thu thập từ bạn tình hoặc bạn cũng có thể sử dụng tinh trùng hiến tặng. Mẫu tinh trùng sẽ được thu thập vào buổi sáng của ngày lấy trứng.

Thông thường, các mẫu tinh dịch sẽ được lấy bằng cách thủ dâm. Các phương pháp khác, chẳng hạn như chọc hút tinh hoàn (sử dụng kim hoặc thủ thuật để lấy tinh trùng trực tiếp từ tinh hoàn) đôi khi có thể được chỉ định.

Tinh trùng sẽ được tách khỏi tinh dịch ở phòng thí nghiệm. Tinh trùng sẽ được làm sạch, chọn lọc và tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm.

4. Thụ tinh

Quá trình thụ tinh trong ống nghiệm có thể được thực hiện thông qua hai phương pháp phổ biến bao gồm:

  • Thụ tinh thông thường: Trong quá trình thụ tinh thông thường, tinh trùng khỏe mạnh và trứng sẽ được trộn lẫn và để qua đêm.
  • Tiêm tinh trùng vào bào tương (ICSI): Trong phương pháp này, một tinh trùng khỏe mạnh duy nhất sẽ được tiêm trực tiếp vào trứng trưởng thành. ICSI thường được chỉ định khi chất lượng tinh trùng có vấn đề hoặc nếu các nỗ lực thụ tinh trước đó không thành công.

5. Nuôi cấy phôi

Bác sĩ sẽ theo dõi trứng đã được thụ tinh để đảm bảo rằng trứng đang phân chia và phát triển. Các phôi sẽ được kiểm tra điều kiện di truyền tại thời điểm này.

Trong một số tình huống nhất định, bác sĩ có thể đề nghị một số thủ tục hỗ trợ trước khi chuyển phôi, bao gồm:

  • Hỗ trợ tạo phôi: Sau khoảng 5 – 6 ngày sau khi thụ tinh, phôi sẽ sẽ bắt đầu phát triển, tạo ra các màng bao quanh cho phép bám vào niêm mạc tử cung. Nếu bạn là phụ nữ lớn tuổi hoặc đã nhiều lần thụ tinh trong ống nghiệm thất bại, bác sĩ có thể đề nghị hỗ trợ tạo phôi. Các phôi đông lạnh cũng có thể cần hỗ trợ bởi vì màng bao quanh phôi đã bị cứng lại trong quá trình bảo quản.
  • Thử nghiệm di truyền: Phôi thai sẽ được ủ ấm cho đến đạt đến giai đoạn mà một mẫu nhỏ có thể được lấy ra và kiểm tra các bệnh di truyền cụ thể hoặc số lượng nhiễm sắc thể chính xác, thường là 5 – 6 ngày sau khi thụ tinh.

6. Chuyển phôi vào tử cung

Khoảng 3 – 5 ngày sau khi thụ tinh, một nhà phôi học sẽ xác định những phôi khỏe mạnh nhất, thông qua việc quan sát dưới kính hiển vi. Nếu phôi khỏe mạnh, phát triển bình thường, phôi thai sẽ được chuyển vào tử cung và phát triển thai kỳ bình thường.

thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên ở việt nam
Phôi khỏe mạnh sẽ được đưa vào tử cung để phát triển một thai kỳ bình thường

Trong quá trình chuyển phôi, một ống mỏng hoặc ống thống sẽ được đưa qua cổ tử cung. Lúc này bạn có thể bị chuột rút rất nhẹ. Số lượng phôi được chuyển sẽ phụ thuộc vào chất lượng của phôi và chỉ định của bác sĩ. Tùy thuộc vào độ tuổi, bác sĩ có thể chuyển từ 1 – 5 phôi, tuy nhiên chuyển 2 phôi là lựa chọn phổ biến nhất.

Nếu thành công, phôi thai sẽ làm tổ trong niêm mạc tử cung trong khoảng 6 – 10 ngày. Tại thời điểm này, bạn có thể thực hiện xét nghiệm máu để xác định thai kỳ.

Sau khi chuyển phôi, những phôi khỏe mạnh có thể được bảo quản lạnh. Phôi có thể được sử dụng sau này nếu chu kỳ không thành công hoặc sẽ được hiến tặng nếu bạn cho phép.

7. Kiểm tra và theo dõi thai kỳ

Sau khi chuyển phôi, bạn có thể sinh hoạt như bình thường. Tuy nhiên lúc này buồng trứng có thể vẫn được mở rộng do đó các hoạt động mạnh có thể gây khó chịu, đau đớn hoặc mệt mỏi.

Một số tác dụng phụ sau khi chuyển phôi bao gồm:

  • Tiết ra một lượng nhỏ chất lỏng trong suốt hoặc có máu ngay sau khi thực hiện thủ thuật, điều này xảy ra do cổ tử cung bị tổn thương khi chuyển phôi
  • Căng ngực do nồng độ estrogen cao
  • Đầy hơi nhẹ
  • Chuột rút nhẹ
  • Táo bón

Nếu bạn bị đau từ trung bình đến dữ dội sau khi chuyển phổi, bạn nên liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể. Bác sĩ sẽ đánh giá các rủi ro, biến chứng, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc xoắn buồng trứng, và có kế hoạch điều trị phù hợp.

Sau khoảng 12 – 15 ngày sau khi chuyển phôi, bác sĩ sẽ xét nghiệm máu để xác định thai kỳ. Nếu bạn mang thai, bạn sẽ được hướng dẫn các biện pháp chăm sóc sức khỏe trong thai kỳ và lịch khám thai định kỳ. Nếu bạn không mang thai, bác sĩ có thể đề nghị một chu kỳ IVF khác hoặc đề xuất các hướng dẫn để cải thiện khả năng mang thai.

Chuẩn bị thụ tinh trong ống nghiệm như thế nào?

Trước khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm, bạn và cả bạn tình cần có một số chuẩn bị để đảm bảo quá trình diễn ra thuận lợi và an toàn. Cụ thể các bước chuẩn bị bao gồm:

thụ tinh trong ống nghiệm giá bao nhiêu
Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể quy trình để có sự chuẩn bị phù hợp
  • Kiểm tra dự trữ buồng trứng: Xét nghiệm này được thực hiện để xác định số lượng và chất lượng trứng. Bác sĩ có thể kiểm tra nồng độ hormone kích thích nang trứng (FSH), estradiol (estrogen) và hormone chống đa trứng trong máu trong vài chu kỳ kinh nguyệt. Kết quả xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ xác định chất lượng cũng như số lượng trứng dự trữ của bạn.
  • Phân tích tinh dịch: Xét nghiệm này được thực hiện để đảm bảo chất lượng tinh trùng là bình thường và khỏe mạnh.
  • Tầm soát bệnh truyền nhiễm: Bạn và bạn tình sẽ được kiểm tra các bệnh truyền nhiễm, bao gồm của HIV, để đảm bảo quá trình thụ tinh trong ống nghiệm là bình thường.
  • Khám tử cung: Bác sĩ có thể kiểm tra niêm mạc tử cung trước khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm. Điều này có thể bao gồm siêu âm hoặc nội soi tử cung.
  • Thực hành chuyển phôi thai (giả): Bác sĩ có thể tiến hành chuyển phôi thai giả để xác định độ sâu của khoang tử cung và xác định kỹ thuật đưa phôi vào tử cung thích hợp.

Làm gì nếu thụ tinh trong ống nghiệm thất bại?

Sau khoảng 12 – 14 ngày, bạn sẽ được xét nghiệm thai. Nếu kết quả âm tính, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn ngừng sử dụng progesterone và đợi kỳ kinh bắt đầu.

Sau khi chu kỳ IVF thất bại, bác sĩ có thể đề nghị một chu kỳ khác để tăng cơ hội mang thai. Cơ hội mang thai thành công thường cao hơn sau khi bạn đã thực hiện một số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm.

Việc thụ tinh trong ống nghiệm thất bại có thể gây căng thẳng, đau đớn cũng như nhiều vấn đề sức khỏe khác. Tuy nhiên điều quan trọng là các chu kỳ sau có tỷ lệ thành công cao hơn. Do đó, các bác sĩ thường khuyến khích bạn thực hiện lại chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai và sinh con.

Tổng chi phí thụ tinh trong ống nghiệm

Thụ tinh trong ống nghiệm là một thủ thuật tốn kém và thường không được bảo hiểm chi trả. Do đó, người thực hiện thủ thuật thường phải tự chi tra 100% các chi phí.

Hiện nay, mức phí thụ tinh trong ống nghiệm dao động từ 70 – 100 triệu đồng, tùy thuộc vào bệnh viện và trung tâm y tế. Tuy nhiên một số người thụ tinh trong ống nghiệm cho biết, mức phí thực tế thường cao hơn.

Ngoài ra, các chi phí phát sinh có thể bao gồm phí xét nghiệm, điều trị các bệnh lý liên quan, bảo quản phôi đông lạnh cũng như chuyển phôi dự trữ. Do đó, tổng chi phí thụ tinh nhân tạo ở mỗi người là khác nhau.

Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp hỗ trợ sinh sản giúp nhiều cặp vợ chồng có con thành công. Tuy nhiên phương pháp này có mức chi phí cao, không đảm bảo thành công cũng như tiềm ẩn một số rủi ro. Do đó khi cân nhắc thụ tinh trong ống nghiệm, bạn nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên trò chuyện với người thân, bạn bè để được hỗ trợ tốt nhất.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng: 02/03/2023 - Cập nhật lúc 2:06 pm , 02/03/2023
Nguồn tham khảo

Bình luận

*
*

Biên tập viên
Miss Trần Diệp Anh tốt nghiệp Học viện Ngoại Giao, đã từng làm biên tập tại các trang tin điện tử, website chuyên về sức khỏe và tìm hiểu chuyên sâu về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mẹ và bé. Miss Diệp Anh giữ nhiệm vụ là Biên tập viên, chuyên viết bài mảng nội dung sức khỏe mẹ và bé trên wikibacsi.com. Với các bài viết được biên tập từ nguồn uy tín, chuyên khoa nước ngoài và phỏng vấn trực tiếp các chuyên gia, bác sĩ trong lĩnh vực này.
Về tác giả

Bài viết nhiều người đọc